Tdoctor
Ứng dụng Tdoctor
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
tdoctor

Ung thư mắt: Dấu hiệu nhận biết, cách chẩn đoán và điều trị

16/01/2025 23:53:20

Ngày nay, căn bệnh ung thư mắt tuy khá hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe, ảnh hưởng tiêu cực tới thị lực của người lớn và trẻ nhỏ. Tương tự như các dạng ung thư khác, ung thư mắt thường không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng ở thời gian đầu, do đó khá khó khăn trong việc phát hiện và chữa trị.

1. Ung thư mắt là gì?

Mắt gồm có 3 phần là nhãn cầu, phần bao xung quanh nhãn cầu và phần phụ.

  • Phần chính thực hiện các chức năng nhìn của mắt gồm: võng mạc, giác mạc, củng mạc, mống mắt và thủy tinh thể.
  • Phần bao quanh nhãn cầu có mô cơ và dây thần kinh.
  • Phần phụ gồm: mí mắt và tuyến lệ.

Ung thư mắt là dạng ung thư tương đối hiếm gặp, diễn ra khi có sự tăng sinh bất thường của những tế bào ác tính ở trong mắt. Hơn nữa, những thay đổi bất thường về thị giác hay các tình trạng như mắt lồi một bên có thể là dấu hiệu của ung thư mắt.


2. Các triệu chứng của ung thư mắt cần lưu ý

Ung thư mắt thường không có các biểu hiện rõ rệt mà chỉ được chẩn đoán khi khám mắt định kỳ. Nhưng nếu có, các triệu chứng phổ biến nhất có thể gặp phải như:

  • Thị lực bị suy giảm (mắt nhìn khá mờ).
  • Mất toàn bộ hay một phần thị lực.
  • Xuất hiện đốm đen lớn dần trên mống mắt.
  • Có các vệ hay đốm đen, sáng ở trong tầm nhìn.
  • Con ngươi (hay đồng tử) biến dạng hay thay đổi kích thước.
  • Vị trí nhãn cầu bị thay đổi ở trong hốc mắt.
  • Mắt bị lồi 1 bên.
  • Các chuyển động mắt có dấu hiệu bất thường.

Ung thư mắt hầu như không gây ra cảm giác đau mắt, trừ trường hợp khối u đã lan sang các cơ quan ở bên ngoài mắt.


3. Các phương pháp để chẩn đoán bệnh ung thư mắt

Các xét nghiệm cần thiết sau nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán được liệu có bị ung thư mắt hay không:

  • Chụp động mạch: bác sĩ sẽ đưa thuốc nhuộm vào máu qua tĩnh mạch ở cánh tay. Sau đó, hình ảnh phía sau mắt được chụp thông qua loại đèn làm thuốc nhuộm phát sáng. Từ đó, bác sĩ nhìn thấy được các mạch máu ở bên trong mắt.
  • Siêu âm: với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng 1 đầu ghi nhỏ đặt vào nhãn cầu hay mí mắt. Nó sẽ phát ra sóng siêu âm và thu tiếng vang dội lại từ các mô. Các tiếng dội này tạo nên hình ảnh ở màn hình máy tính.
  • Chụp X-quang ngực: nhằm xác định xem ung thư đã lan sang phổi hay chưa.
  • Chụp CT: dùng tia X nhằm tạo hình ảnh chi tiết ở bên trong cơ thể. Đồng thời, để kiểm tra mức độ lan rộng của ung thư.
  • Quét MRI: dùng sóng radio và từ tính mạnh thay cho tia X để tạo hình ảnh chi tiết. Xét nghiệm này nhằm kiểm tra tình trạng khối u ở mắt và xác định liệu ung thư có lan rộng không.
  • Sinh thiết: bác sĩ sẽ sử dụng 1 mẫu mô nhỏ để xác định có tế bào ung thư hay không. Nếu là khối u hắc tố ở mắt thì không cần sinh thiết bởi bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua khám mắt và xét nghiệm hình ảnh.


4. Cách điều trị ung thư mắt như thế nào?

Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định chữa trị ung thư mắt thông qua các phương pháp sau:

4.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật được tiến hành nhằm cắt bỏ vùng mí mắt, vùng tiếp cận màng da mắt hay trên diện tích lan rộng ra xung quanh. Nếu ung thư đã xâm lấn đến vùng nhãn cầu, hốc mắt thì cần cắt bỏ hoàn toàn các bộ phận ở trong hốc mắt.

4.2 Xạ trị - Hóa trị

Với xạ trị, bác sĩ sẽ dùng chùm tia năng lượng cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị thường áp dụng để tiêu diệt khối u nhỏ hay kết hợp cùng hóa trị nhằm ngăn chặn ung thư lan rộng.

Còn với phương pháp hóa trị sẽ dùng thuốc để loại bỏ các tế bào ung thư. Bác sĩ thường chỉ định hóa trị để ngăn chặn khối u lan rộng hay điều trị khi ung thư tái phát.


4.3 Các phương pháp khác

Ngoài các kỹ thuật thường được áp dụng phổ biến kể trên, các liệu pháp sau cũng vô cùng hiệu quả:

  • Liệu pháp laser: dùng tia laser hồng ngoại để diệt trừ tế bào ung thư, đồng thời có thể kết hợp với xạ trị.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: là kỹ thuật tác động tới các phân tử đặc hiệu của các tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn sự tiến triển cũng như lan rộng của khối u.
  • Liệu pháp miễn dịch: dùng thuốc miễn dịch để kích thích hệ miễn dịch cơ thể nhận biết và tấn công tế bào ung thư.

5. Cách phòng ngừa ung thư mắt hiệu quả

Để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh ung thư mắt, có thể áp dụng các gợi ý sau:

  • Tránh tiếp xúc với tia UV trực tiếp trong khoảng thời gian dài, nên sử dụng mũ rộng vành và mang kính râm.
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với các tia bức xạ hay mối hàn.
  • Bảo vệ mắt tránh các hóa chất độc hại và dễ gây ung thư.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao để nâng cao chức năng miễn dịch cơ thể.
  • Nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư mắt thì nên định kỳ thăm khám và theo dõi sức khỏe.

Kết lại, ung thư mắt là căn bệnh khá nguy hiểm, tác động tiêu cực tới sức khỏe và cả chất lượng sống của bệnh nhân. Việc nắm rõ các dấu hiệu, nguyên nhân cùng các yếu tố nguy cơ là vô cùng quan trọng để phòng ngừa và chữa trị hiệu quả. Nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng khác thường nào ở mắt, Bác sĩ T-doctor khuyên bạn nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán sớm nhất.

  • tdoctor

    SP CHÍNH HÃNG

    Đa dạng và chuyên sâu

  • tdoctor

    ĐỔI TRẢ TRONG 30 NGÀY

    kể từ ngày mua hàng

  • tdoctor

    CAM KẾT 100%

    chất lượng sản phẩm

  • tdoctor

    MIỄN PHÍ VẬN CHUYỂN

    theo chính sách giao hàng

tdoctor

Xem danh sách nhà thuốc trên toàn quốc

Bạn có thể tìm kiếm theo tên hoặc công dụng

Đang xử lý...